Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Phải Cẩn Thận Khi Thuê Người Làm ở Mỹ

Tại Hoa Kỳ có rất nhiều người Việt làm chủ các doanh nghiệp nhỏ có thuê mướn nhân viên, đặc biệt là nhà hàng và tiệm nail. Trong suốt mấy thập niên qua, mặc dầu bị chi phối bởi nhiều luật lệ rất phức tạp của Hoa Kỳ, từ thuế vụ, lao động và cả luật di trú, hầu hết đều làm ăn suông sẻ và ít gặp rắc rối vì các thứ luật lệ này.
Tại Hoa Kỳ có rất nhiều người Việt làm chủ các doanh nghiệp nhỏ có thuê mướn nhân viên, đặc biệt là nhà hàng và tiệm nail. Trong suốt mấy thập niên qua, mặc dầu bị chi phối bởi nhiều luật lệ rất phức tạp của Hoa Kỳ, từ thuế vụ, lao động và cả luật di trú, hầu hết đều làm ăn suông sẻ và ít gặp rắc rối vì các thứ luật lệ này.

Tuy nhiên từ vài năm gần đây, với sự gia tăng kiểm soát của các cơ quan thẩm quyền, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ của người gốc Việt đã bị phạt vạ do vi phạm các luật lệ căn bản trong việc thuê mướn công nhân viên. Ngoài sự kiện các tiệm nail và tóc khắp nơi đã và đang bị phạt vạ bởi cơ quan lao động và thuế vụ vì không hiểu rõ các quy luật phức tạp áp dụng cho người thợ làm trong tiệm, cơ quan di trú Hoa Kỳ cũng đang nổ lực trong việc tìm kiếm và truy tố những chủ nhân đã thuê mướn những người không có phép làm việc tại Mỹ.

Đầu tháng Chín 2010 vừa qua, cơ quan di trú Hoa Kỳ ICE (US Immigration and Customs Enforcement) đã bắt giữ và truy tố một người gốc Việt là ông Kiệt Bùi vì tội thuê mướn và che dấu người không có giấy tờ để được phép làm việc tại Mỹ. Ông Kiệt và vợ cư ngụ tại Centreville, Virginia, là chủ 3 nhà hàng “Viet House Restaurant” trong vùng Fairfax.

Theo hồ sơ của tòa án, ông Kiệt bị truy tố vì trong thời gian từ năm 2005 đến 2010, đã cố tình thuê mướn ít nhất là 7 người nhập cư bất hợp pháp không được quyền làm việc tại Hoa Kỳ, và đã tìm cách che dấu không cho các cơ quan hữu trách biết về những người này. Ông Kiệt đã trả lương cho những người đó bằng tiền mặt không có bảng lương (payroll), và vì vậy đã không báo cáo họ cho cơ quan lao động của tiểu bang. Ông Kiệt cũng đã không làm mẫu I-9 cho những người này theo đòi hỏi của luật di trú Hoa Kỳ.

Từ nhiều năm qua, mặc dầu cơ quan di trú Hoa Kỳ đã tăng cường việc kiểm tra và truy tố các chủ doanh nghiệp thuê muớn người nhập cư bất hợp pháp hoặc người không được phép làm việc tại Hoa Kỳ, trường hợp ông Kiệt Bùi phải được xem là một cảnh báo quan trọng cho nhiều chủ doanh nghiệp người Việt tại Hoa Kỳ trong vấn đề thuê mướn công nhân viên. Hiện nay ông Kiệt đang được tại ngoại để chờ thủ tục tố tụng tại tòa án.

Những Luật Lệ Cần Biết

Theo luật hiện hành tại Hoa Kỳ, ngoài các quy định liên quan đến vấn đề thuế vụ mà chủ nhân các doanh nghiệp phải tuân hành khi có thuê mướn công nhân viên, ví dụ phải khấu trừ các khoản thuế lợi tức và an sinh xã hội của nhân viên, phải đóng thuế theo các đạo luật Federal Insurance Contributions Act (FICA) và Federal Unemployment Tax Act (FUTA), v.v…, chủ nhân cũng phải chấp hành quy định của đạo luật Fair Labor Standards Act (FLSA), và đạo luật Immigration Reform and Control Act of 1986 (IRCA).

1. The Fair Labor Standards Act (Đạo Luật Tiêu Chuẩn Lao Động Công Bằng)

The Fair Labor Standards Act (FLSA) là luật liên bang ra đời từ năm 1938, bảo đảm các phúc lợi lao động cho công nhân viên khi làm việc trên đất Mỹ, mà chính yếu là quyền được hưởng mức lương tối thiểu và lương giờ phụ trội (overtime). Ngoài ra, mỗi tiểu bang cũng có những bộ luật liên quan đến vấn đề phúc lợi của công nhân viên mà chủ doanh nghiệp phải tuân theo, được áp dụng song hành và bổ túc cho đạo luật FLSA của liên bang.

Luật FLSA có nhiều điểm rất phức tạp. Nói cách tóm lược, ngoài một số trường hợp miễn trừ, luật này đòi hỏi tất cả chủ nhân phải trả lương cho nhân viên tối thiểu là bằng mức lương giờ ấn định bởi liên bang, hoặc của tiểu bang nơi làm việc nếu ở đó quy định mức lương giờ tối thiểu nhiều hơn mức của liên bang. Ngoài việc quy định chủ nhân phải trả lương cho công nhân với mức tối thiểu, luật cũng buộc chủ phải trả thêm lương overtime khi công nhân làm việc nhiều hơn 40 giờ trong một tuần lễ, hoặc trong khoảng thời gian 7 ngày. Bên cạnh vấn đề lương bổng, luật tại nhiều tiểu bang còn có thêm quy định cho công nhân phải được khoảng nghỉ giữa buổi và thời gian để ăn uống, tùy theo số giờ trong ca làm việc.

Đối với những nhân viên lúc làm việc có nhận thêm tiền “tip” ngoài tiền lương giờ, điển hình là những người hầu bàn ở các tiệm ăn, một số tiểu bang cho phép chủ nhân được trả lương giờ dưới mức tối thiểu. Tuy nhiên, nếu tiền lương giờ cộng với “tip” của người làm vẫn không bằng mức lương giờ tối thiểu tính trên tổng số giờ đã làm, chủ phải trả thêm phần sai biệt cho bằng với tiền lương giờ tối thiểu áp dụng tại tiểu bang đó. Tại Alaska, California, Guam, Minnesota, Montana, Nevada, Oregon và Washington, chủ không được phép trả lương giờ dưới mức tối thiểu dù nhân viên này có nhận thêm tiền “tip” trong lúc làm việc. Và trong mọi trường hợp, luật FLSA cấm chủ nhân không được lấy tiền “tip” của nhân viên.

2. Immigration Reform and Control Act of 1986 (Đạo Luật Cải Tổ và Kiểm Soát Di Trú)

Immigration Reform and Control Act of 1986 (IRCA) được ban hành năm 1986 nhằm kiểm soát và ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ. Đạo luật IRCA có khoản cấm chủ nhân thuê người không có phép làm việc ở Mỹ. Điểm quan trọng là luật này đòi hỏi tất cả chủ nhân phải làm và lưu trữ mẫu I-9 cho mỗi công nhân viên tuyển dụng sau ngày 6 tháng 11 năm 1986 để xác định đương sự được phép làm việc tại Hoa Kỳ, đồng thời cũng cấm chủ nhân không được kỳ thị trong việc tuyển dụng người có quyền đi làm dựa trên tình trạng di trú. Chủ nhân vi phạm luật IRCA sẽ bị phạt tiền hay phạt tù, hoặc cả hai.

Ngoài đạo luật IRCA, bộ luật liên bang Hoa Kỳ cũng có điều khoản ấn định mức phạt tù đến 5 năm cho ai cố tình chứa chấp hay che dấu sự phát hiện người đã nhập cư bất hợp pháp vào nuớc Mỹ (8 USC 1324a. et seq.)

Cần biết rằng đạo luật IRCA được thi hành bởi cơ quan di trú ICE thuộc Bộ Nội An Hoa Kỳ (Department of Homeland Security), nhằm kiểm soát và ngăn chận người nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, cấm chủ nhân thuê người nhập cư bất hợp pháp hay ngoại kiều không có phép làm việc ở Mỹ. Trong khi đó thì đạo luật FLSA là do Bộ Lao Động liên bang (U.S. Department of Labor) và cơ quan lao động tại các tiểu bang thi hành, bảo đảm cho tất cả mọi người làm việc ở Mỹ được hưởng tiêu chuẩn lao động công bằng, bất kể tình trạng di trú. Vì vậy, khi chủ nhân vi phạm luật FLSA, mọi công nhân viên kể cả những người nhập cư bất hợp pháp đi làm “chui” lãnh tiền mặt, ai cũng có thể khiếu nại với cơ quan lao động, và cơ quan này sẽ điều tra và dùng biện pháp hành chính hay tố tụng để đòi lại tiền lương trả thiếu cho công nhân viên. Cơ quan lao động không quan tâm đến tình trạng di trú của công nhân viên, vì đó là phần việc của cơ quan di trú.

Ngoài ra, công nhân viên dầu có phép làm việc ở Mỹ hay không, nếu được chủ thuê mướn nhưng không trả lương đúng luật FLSA, cũng có quyền tự mình thuê luật sư kiện chủ nhân ra tòa, và có thể được tòa án cho hưởng những khoản tiền bồi thường nhiều hơn. Tòa án liên bang Hoa Kỳ đã nhiều lần minh định rằng đạo luật FLSA bảo vệ cho mọi công nhân viên phải được hưởng tiêu chuẩn lao động công bằng khi làm việc ở Mỹ, bất luật tình trạng di trú.

Những Việc Cần Làm

Để tránh rắc rối với luật pháp, chủ nhân tuyệt đối không nên thuê dùng người di dân hay ngoại kiều không có phép làm việc ở Mỹ. Chủ nhân các doanh nghiệp dầu lớn hay nhỏ, ngay sau khi đồng ý thuê mướn nhân viên, cần phải làm ngay và lưu trữ mẫu I-9 để xác định người đó có quyền làm việc ở Mỹ hay không? Đây là một đòi hỏi rất quan trọng của đạo luật IRCA áp dụng cho mọi công nhân viên được tuyển dụng, nghĩa là kể cả những công nhân viên mang quốc tịch Hoa Kỳ và các thường trú nhân cũng phải làm mẫu I-9. Trong tiến trình làm mẫu I-9, các doanh nghiệp cũng có thể ghi danh dùng chương trình “E-Verify” để biết tình trạng di trú và lao động của công nhân viên nhờ vào số an sinh xã hội. Chương trình này do chánh phủ liên bang thiết lập và hoàn toàn miễn phí.

Về vấn đề lương bổng, chủ nhân phải làm payroll chứng minh đã trả lương cho nhân viên theo mức quy định của đạo luật FLSA, không nên trả lương cho nhân viên bằng tiền mặt, và phải chấp hành những luật lệ liên quan đến vấn đề phúc lợi của công nhân được quy định khác nhau tùy theo từng tiểu bang. Và tại hầu hết các tiểu bang, chủ doanh nghiệp cũng phải mua bảo hiểm lao động (workers’ compensation insurance) cho công nhân viên.

Trong vài năm gần đây, ngoài sự kiện cơ quan di trú đang gia tăng nổ lực tìm kiếm và truy tố các chủ doanh nghiệp thuê người không có phép làm việc ở Mỹ, tin tức ghi nhận được từ khắp nơi tại Hoa Kỳ cho thấy ngày càng có nhiều công nhân viên các doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng và tiệm nail, đã khiếu nại với cơ quan lao động và kiện chủ nhân ra tòa để đòi thiệt hại vì cho rằng không được trả đủ lương tối thiểu và giờ phụ trội trong khi làm việc theo đúng quy định của đạo luật FLSA.

Thêm vào đó, thông tin từ Bộ Lao Động Hoa Kỳ cho biết cơ quan này trong vài năm qua cũng đã tuyển dụng thêm 250 điều tra viên nhằm gia tăng việc điều tra và truy tố các chủ nhân vi phạm luật FLSA, và đã thâu hồi cho công nhân những khoản tiền lương bị trả thiếu lên đến hàng trăm triệu Mỹ kim. Trong năm 2010, Bộ Lao Động còn được ngân khoản để tuyển dụng thêm 200 điều tra viên chuyên phụ trách việc điều tra các trường hợp chủ doanh nghiệp vi phạm luật FLSA. Cần lưu ý rằng trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng luật FLSA, chủ nhân ngoài việc phải trả các khoản tiền bồi thường, cũng có thể bị truy tố về hình sự, nghĩa là có thể bị lãnh án tù.

Tóm lại, trong thời điểm mà các vụ phạt vạ và thưa kiện liên quan đến vấn đề thuê mướn nhân viên đang trên đà gia tăng, chủ nhân các doanh nghiệp cần tránh thuê người không có phép làm việc ở Mỹ. Đối với mọi công nhân viên, phải làm và lưu trử mẫu I-9, phải có payroll chứng minh đã trả lương đầy đủ cho nhân viên theo mức quy định của đạo luật FLSA đúng với số giờ mà người đó đã làm việc, và chấp hành bổn phận của chủ nhân theo đòi hỏi của các luật lệ thuế vụ và lao động liên bang cũng như tiểu bang.

Cần biết thêm thông tin, có thể liên lạc với tác giả qua điện thoại số (949) 943-4396.

 * Tom Huỳnh, J.D.
Nguồn: Viet Beauty Magazine

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét