Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Bệnh về Móng (phần 2)

Làn da và móng tay đều là những tấm gương phản ánh phần nào tình trạng sức khoẻ của con người. Nhất là đối với móng tay, móng chân, nhìn chúng một cách tự nhiên móng thường có màu trắng, bên dưới nó ẩn hiện nền màu hồng nhạt (gọi là nail bed) với cấu tạo gồm ba phần: thân móng, chân móng và đầu móng. Móng tăng trưởng tốt dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có vai trò không nhỏ của the Matrix – thuộc chân móng (the nail root), cung cấp các chất dinh dưỡng cho móng, giúp móng mọc dài ra và khoẻ mạnh. Móng bị bệnh sẽ yếu đi, do bị tổn thương, có khi là mầm mống lây lan sự nhiễm trùng. Vì vậy, hiểu biết về các bệnh móng sẽ là một kiến thức rất quý với người làm nghề nail nói riêng và ngành thẩm mỹ nói chung.
 
Tiếp theo bài viết lần trước (phần 1), lần này chúng tôi xin được trình bày tiếp các loại bệnh móng như sau:
1. Móng có các vệt trắng dài:
Bệnh Trạng: Xuất hiện các vệt trắng dài (1-2mm) theo hướng ngang trên bề mặt móng.
Nguyên Nhân: Biểu hiện của giáp sàng hóa sừng không hoàn toàn, do độc tố, tác dụng phụ của thuốc hay bệnh viêm phổi gây ra.
Giải Pháp: Vệt trắng có thể tự nhiên biến mất khi khỏi bệnh. Còn nếu do tác dụng của thuốc thì phải ngưng dùng thuốc đó ngay.
2. Móng mọc đâm khoé (Onychocryptosis):
Bệnh Trạng: Móng mọc đâm vào lớp da bao quanh móng, gây đau thốn và khó chịu.
Nguyên Nhân: Có thể do giũa móng không đúng cách, có khi lại do mang giày dép quá chật.
Giải Pháp: Cắt tỉa cạnh móng theo dạng đường cong, ngăn bớt đè lên rãnh móng. Tuy nhiên nếu móng đã đâm sâu vào rãnh móng, nên khuyên khách đi khám bác sĩ.
3. Móng nứt (Onychorrhexis):
Bệnh Trạng: Xuất hiện các vết nứt từ mũi móng, nhất là ở giữa móng có các vết nứt thô. Có khi có những đường gợn sóng chạy dọc chiều dài móng .
Nguyên Nhân: Do tổn thương ngón tay, hay lạm dụng chất làm mềm da, chất chùi nước sơn, có khi do giũa móng không cẩn thận giũa quá mạnh. Ngoài ra còn có thể do trở ngại của tuần hoàn ở phần chót gốc móng gây ra. Lắm khi do tác hại của hệ thần kinh bị tổn thương, bệnh tiểu đường gây ra.
Giải Pháp: Có thể áp dụng các phương điều hòa thẩm mỹ, khuyên khách không dùng xà phòng mạnh, tránh giũa và dùng chất chùi nước sơn, chất làm mềm da một thời gian. Nếu khách cho biết có tiểu sử bệnh thần kinh hay tiểu đường, nên khuyên khách đi khám bác sĩ.
4. Móng bị biến dạng:
Bệnh Trạng: Ngón tay biến dạng, móng tay gập vào trong bao lấy đầu ngón tay.
Nguyên Nhân: Có nguy cơ liên hệ với bệnh phổi hoặc do hiện tượng tăng lưu lượng máu ở đầu ngón tay gây ra.
Giải Pháp: Khuyên khách đi khám bác sĩ chuyên khoa.
5. Móng bị cắn (Onychophagy):
Bệnh Trạng: Móng bị cắn quá mức đến độ biến dạng.
Nguyên Nhân: Làm móng tips, wraps để che đi.
Giải Pháp: Khuyên khách nên chăm sóc móng tay thường xuyên hơn.
6. Móng tách hai lớp:
Bệnh Trạng: Mũi móng mỏng tách làm 2 lớp, móng bị giòn.
Nguyên Nhân: Do thiếu máu hoặc thiếu chất sắt. Có khi do dùng sơn móng kém chất lượng hoặc cắt giũa không đúng cách móng.
Giải Pháp: Khuyên khách gặp bác sĩ để được hướng dẫn bổ sung protein, các nguyên tố vi lượng và sắt, dùng sơn bảo vệ móng loại tốt .

7. Móng dày (Onychauxis):
Bệnh Trạng: Móng phát triển dày quá mức.
Nguyên Nhân: Do mất cân bằng nội tiết, do nhiễm trùng vùng, có khi lại do di truyền.
Giải Pháp: Có thể giũa láng móng rồi đánh bóng với bột đánh bóng.

8. Móng nhô lên theo phương dọc:
Bệnh Trạng: Ai cũng có nhưng ở người càng nhiều tuổi càng thấy rõ.
Nguyên Nhân: Do sự sinh trưởng phát triển dài ra phía trước của nền móng. Hiện tượng này gần tương tự như hiện tượng da nhăn do tuổi tác vậy.
Giải Pháp: Nên bôi và xoa dầu bảo dưỡng lên móng. Thợ có thể mài giũa một cách nhẹ nhàng phần nhô lên.
Trên đây, là phần hai của loạt bài viết tổng hợp về bệnh móng, mời  các bạn đón xem tiếp phần ba ở số báo kỳ sau.

 http://www.vietbeautymag.com/index.php?cmd=act:news|newsid:341

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét